Bộ Y tế xin trả lại 800 tỷ đầu tư công chưa sử dụng hết
Chính phủ đề xuất chuyển 800 tỷ vốn dư của y tế cho ngành giao thông nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội không đồng ý vì "anh em ngành y đang rất khổ, nhiều việc, cần được đầu tư".
Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022.
Gói phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường từ tháng 1/2022. Tám tháng sau đó, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án dùng nguồn vốn từ gói phục hồi.
Theo tờ trình này, Chính phủ đề nghị phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, Chính phủ kiến nghị cho điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm sang cho 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông (gồm 407 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu; 230 tỷ đồng dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và 295 tỷ đồng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định).
Giải trình về đề nghị điều chuyển vốn này, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nói, đây là khoản vốn dư các bộ, ngành và địa phương "xin không sử dụng". Số này gồm 130 tỷ đồng vốn Bộ Xây dựng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xin không sử dụng. Và 802 tỷ đồng các dự án của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội nhưng sau rà soát Bộ Y tế cũng xin chưa sử dụng số tiền này.
"Nếu có giữ lại thì mất nhiều thời gian tìm dự án phù hợp với tiêu chí, nguyên tắc và triển khai thủ tục tiếp theo. Nên để sử dụng đồng vốn hiệu quả Chính phủ đề xuất cho 3 dự án giao thông sắp hoàn thành", ông Phương nêu.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng |
Nhưng thảo luận sau đó nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn việc điều chuyển 932 tỷ đồng vốn dư từ các dự án y tế, an sinh, việc làm lao động sang 3 dự án giao thông.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu quan điểm, trong 3 dự án giao thông được Chính phủ đề nghị chuyển vốn thì chỉ có dự án tuyến đường tránh qua TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, là cấp bách.
"Số nhân lực y tế nghỉ việc rất lớn và hàng loạt vấn đề khác đặt ra. Nếu lấy số tiền dành cho ngành y tế để chuyển cho giao thông, thì ở phía người làm trong ngành y sẽ thấy tủi thân, chạnh lòng", ông Thuận Phong nói.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu thực tế giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội tại các địa phương, thì thấy "anh em ngành y đang rất khổ, việc nhiều, cần được đầu tư". Vừa rồi, họ phải đón nhiều đoàn kiểm toán, thanh tra nên việc rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án không kịp. Ông đề nghị ngành y tế tiếp tục rà soát để báo cáo bổ sung dự án sau này, tạo động lực hơn cho ngành y.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình, nên dành 932 tỷ đồng vốn dư này cho ngành y tế, an sinh và không nên điều chỉnh vốn cho lĩnh vực khác, nhất là giao thông.
"Vốn dành cho hạ tầng giao thông cần nhiều, bao nhiêu cũng không đủ, trong khi ngành y cũng đang rất cần nhưng hiện do vướng nên chưa thể triển khai", ông nói và đề nghị ngành y tế rà soát lại để có thể bố trí vốn.
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nói, không nên điều chuyển vốn từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác vì sẽ làm thay đổi cơ cấu dự án đầu tư của chương trình phục hồi kinh tế.
Thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc điều chuyển để phân bổ từ lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, lao động việc làm sang lĩnh vực giao thông vận tải là "vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43".
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị không điều chỉnh sang lĩnh vực khác mà tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực xã hội chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ để thực hiện.
Vốn cho 3 dự án lĩnh vực giao thông, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, có thể bố trí từ nguồn chưa phân bổ 11.437 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng, bảo đảm tuân thủ quy định mức tối đa 113.550 tỷ đồng Quốc hội đã quyết nghị.
Giải thích thêm về số vốn ngành y tế "xin chưa sử dụng", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định cơ quan này đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản "trao đi, đổi lại" với các địa phương. Chốt lại có 144 dự án đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn được chi theo Nghị quyết 43, nên vốn đầu tư cho các dự án ngành y tế giảm 802 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, còn 13.198 tỷ đồng.
"Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43. Bộ đưa ra mốc thời gian cụ thể, và đến thời hạn địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ", ông Tuyên nói.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ rà soát để có thể tiếp tục bố trí vốn, sử dụng số tiền này cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội. "Số tiền này không đáng bao nhiêu, không nên chuyển từ chỗ này sang chỗ kia", ông nói.
94 nhiệm vụ, dự án với tổng 147.138 tỷ đồng, ông Huệ đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, góp ý của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện, giao vốn ngay trong tuần này.
Còn 169 dự án, số vốn khoảng 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi Thủ tướng phân bổ vốn.
Post a Comment