Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử là gì ? " Những thông tin cần biết "


Ngày 03/9/2020, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) tạo cơ sở để Bộ Công an thực hiện việc cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp xu hướng phát triển công nghệ số trên thế giới. Do đó, việc chuyển đổi từ CCCD mã vạch, Chứng minh nhân dân (CMND) 09 số và 12 số sang thẻ CCCD gắn chip điện tử là nội dung rất được quan tâm và cần có những hiểu biết cụ thể.

Tiếp nhận thông tin người dân cung cấp để làm thẻ căn cước công dân 
1. Thẻ CCCD có gắn chip điện tử là gì và ưu việt như thế nào?
Thẻ CCCD có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về căn cước công dân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

Thẻ CCCD gắn chip điện tử về cơ bản cũng giống như thẻ CCCD mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ CCCD gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.

Thẻ CCCD gắn chip điện tử là xu thế mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng vì tính ưu việt cũng như tạo sự thuận lợi khi sử dụng cho công dân. Trước hết, so với CCCD sử dụng mã vạch, CMND 09 số và 12 số bằng phôi giấy thì thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, có độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ lượng thông tin lớn hơn và có thể linh hoạt, mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai. Khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin của các Bộ, ban ngành khác như thuế, bảo hiểm y tế, bằng lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác, thì có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử. Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chip điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline, không cần đường truyền internet.

2. Ai phải đi đổi sang thẻ CCCD gắn chip và khi đổi lại có ảnh hưởng các loại giấy tờ khác không?

 Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh thành đã được trang bị cơ sở hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh, thành còn lại, công dân đang sử dụng CMND 09 số và 12 số. Tuy nhiên, khi dự án cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử được khởi động thực hiện đồng bộ trên cả nước thì không phải tất cả mọi công dân đều bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử. Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp. Trước mắt, chỉ những người chưa có CMND hoặc CCCD, công dân có CMND hoặc CCCD mã vạch đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì mới phải đổi sang CCCD gắn chip điện tử. Đối với các trường hợp CMND, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn theo Luật CCCD. Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 04 loại giấy tờ chứng minh căn cước công dân cùng tồn tại song song là: CMND 09 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip điện tử.

CCCD mã vạch, CMND 09 số và 12 số đang được sử dụng hiện nay (nguồn: Internet)​

Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp còn đối với thẻ CCCD (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi công dân không phải đổi. Như vậy, đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD mã vạch hoặc sau khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử mà đến thời hạn tuổi quy định thì cũng phải đi đổi thẻ CCCD gắn chip mới. Việc đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử là hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. Đối với công dân đã có CCCD mã vạch thì khi đổi sang CCCD gắn chip điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh của CCCD cũ. Còn đối với trường hợp công dân đổi từ CMND 09 số và 12 số sang CCCD gắn chip điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới cũng là số định danh cá nhân của công dân. Khi đó, cơ quan Công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử cho công dân sẽ đồng thời cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để công dân thuận tiện trong việc giao dịch các giấy tờ khác có liên quan đến số CMND cũ.

3. Để được cấp hoặc đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử thì công dân cần  những gì?

Lợi ích của CCCD gắn chíp điện tử (nguồn: TTXVN)​


 Người dân khi làm CCCD cần mang theo sổ hộ khẩu gia đình bản chính và CCCD mã vạch hoặc CMND 09 số và 12 số đang sử dụng đến cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý CCCD của Bộ công an để được hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD theo quy định. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là để được cấp CCCD hợp lệ thì người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD. Hiện nay, đa số người dân ở tuổi trung niên và lớn tuổi trong sổ hộ khẩu thường không có thông tin ngày, tháng, năm sinh. Đối với các trường hợp này, người dân phải đem theo bản sao giấy khai sinh có ngày, tháng, năm sinh đến cơ quan Công an để bổ sung. Riêng trường hợp công dân có giấy khai sinh nhưng không có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh hoặc từ trước đến nay không có giấy khai sinh, không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì phải liên hệ Ủy ban nhân dân nơi đăng ký thường trú để được viên chức Tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào giấy khai sinh hoặc cấp giấy khai sinh theo quy định. Sau đó bổ sung đầy đủ vào sổ hộ khẩu để phục vụ việc cấp CCCD.

4. Việc cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử sẽ được triển khai như thế nào?

Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD sẽ được triển khai đồng bộ, song song cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021.  Bộ Công an sẽ hợp nhất Ban chỉ đạo triển khai hai dự án và bổ sung, kiện toàn ban chỉ đạo để đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin.

Trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện và ban hành các quy định, thông tư, hướng dẫn công tác cấp, quản lý CCCD một cách cụ thể và toàn diện. Công an các đơn vị địa phương tích cực thực hiện công tác chuẩn bị cho việc cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử, đẩy mạnh và nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào hoạt động; tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, lên danh sách số người trong diện cấp CCCD; trang bị máy móc, vật tư, phương tiện, biểu mẫu và cơ sở hạ tầng khác phục vụ cấp CCCD; chuẩn bị về nhân lực, phân công nhiệm vụ cấp CCCD đáp ứng công tác cấp CCCD tại chỗ và lưu động, đảm bảo đủ số lượng cán bộ và tổ chức đào tạo, tập huấn về quy trình nghiệp vụ cấp CCCD...

Giúp người dân lấy dấu vân tay

Từ tháng 01/2021, các tỉnh, thành triển khai cấp CCCD gắn chip điện tử trên toàn quốc. Các đơn vị Công an địa phương tiến hành cấp CCCD tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu hướng tới là đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD. Các Bộ, ban ngành và UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chip điện tử trong thẻ CCCD hướng tới rút gọn, giảm tải các loại giấy tờ cho công dân trong thực hiện các dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác. Trong thời gian tới, khi cả hai dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào hoạt động, đây sẽ là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng và đột phá không chỉ đối với công tác nghiệp vụ của ngành Công an mà còn là tiền đề cơ bản cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số và nền kinh tế số ở Việt Nam, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân.





 Ý Nghĩa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương | Vị Vua Đầu Tiên Của Người Việt


Trong dân gian Việt Nam có câu ca dao rất xa xưa, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Dù ai buôn bán gần xa, nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười". Hàng ngàn năm nay, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, thì người Việt trên khắp mọi nơi, nếu có dịp  đều tụ hội về đền Hùng thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ  để tướng nhớ về nguồn cội.  Đó là ngày giỗ Tổ Hùng Vương được coi là tổ tiên của dân tộc Việt đại diện cho 54 dân tộc Dân Tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này. 

No comments

Powered by Blogger.